Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Chúng tôi đưa nghệ thuật tuồng về Khu 5 khói lửa

Chúng tôi đưa nghệ thuật tuồng về Khu 5 khói lửa

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn (nguyên Phó Chủ tịch Hội LHVHNT Phú Yên) học khoá 1, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, cùng thế hệ với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như các NSND Doãn Hoàng Giang, Thế Anh, Xuân Huyền, Minh Ngọc... Ở tuổi 72, như “Con tằm rút ruột vẫn còn tơ”, nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn vẫn còn sáng tác kịch bản sân khấu, vẫn còn nhiều dự định với nghệ thuật tuồng – môn nghệ thuật sân khấu độc đáo của dân tộc mà ông suốt đời tâm huyết.


5 lần tham gia biểu diễn phục vụ Bác

Năm 1959, 17 tuổi, rời làng Vích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, Phạm Ngọc Sơn ra Hà Nội, học khoá đầu tiên của Khoa Tuồng, Trường Ca kịch Dân tộc Trung ương (nay là Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội), với sự gửi gắm của cả một gia tộc có truyền thống về nghệ thuật và của một làng quê nổi tiếng với chiếu chèo hay vào bậc nhất xứ Nghệ.

Có năng khiếu về nghệ thuật từ nhỏ, được những giáo sư, nghệ sĩ nổi tiếng cũng mới từ Liên khu 5 ra như Giáo sư Hoàng Châu Ký, NSND Nguyễn Nho Tuý… truyền dạy, Phạm Ngọc Sơn nhanh chóng tiếp thu các kiến thức về bộ môn nghệ thuật độc đáo này của dân tộc và được sắm vai nhiều trích đoạn tuồng và vở tuồng nổi tiếng.

Sau khi ra trường, Phạm Ngọc Sơn về công tác ở Đoàn Tuồng Liên khu 5 thuộc Nhà hát Tuồng Việt Nam. Một trong những kỷ niệm không bao giờ quên của nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn trong những năm là sinh viên và công tác ở Đoàn Tuồng Liên khu 5 là được 5 lần tham gia biểu diễn phục vụ Bác Hồ cùng lãnh đạo Trung ương và khách quốc tế.

Tiết mục “ruột” của lớp tuồng cũng như Đoàn Tuồng Liên khu 5 biểu diễn phục vụ Bác là trích đoạn “Trưng Trắc, Trưng Nhị đề cờ” trong vở tuồng “Trưng Nữ Vương” của soạn giả Tống Phước Phổ. Mỗi lần xem xong, Bác đều ngợi khen: “Các cháu biểu diễn tiến bộ hơn lần trước” và thưởng kẹo cho diễn viên.

Một lần trong số đó, ông nhớ là vào mùa Thu năm 1967, Đoàn Tuồng Liên khu 5 lại vinh dự được biểu diễn phục vụ Bác và đoàn đại biểu các nước Mỹ La tinh sang thăm Việt Nam. Lần đó, sau khi khen và thưởng kẹo cho diễn viên, Bác đề nghị các vị khách quốc tế có mặt hôm ấy cùng Bác hát một bài dân ca Tây Ban Nha bằng tiếng Tây Ban Nha, do Bác chỉ huy. Không có đũa chỉ huy nhưng Người đã dùng động tác chỉ huy như một nhạc trưởng thực thụ.

Một cảnh trong vở “Tình yêu và khát vọng” do Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Bình Định) biểu diễn.


Nhìn các vị khách quốc tế say sưa hát bài dân ca Tây Ban Nha theo động tác chỉ huy của Bác, trong ông và các diễn viên của đoàn trào dâng một cảm xúc khó tả về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Cảm xúc đó đã theo suốt ông trong những ngày công tác ở Đoàn Tuồng Liên khu 5, hay khi vào chiến trường Khu 5 và vẫn vẹn nguyên khi hào hứng kể với tôi kỷ niệm về những lần được biểu diễn phục vụ Bác.

Kỷ niệm chiến trường

Về công tác một thời gian ở Đoàn Tuồng Liên khu 5, năm 1968, Phạm Ngọc Sơn vào chiến trường, công tác tại Đoàn Tuồng và Dân ca Khu 5. Ông kể, khi vào đến chiến trường, mới biết Đoàn vừa gặp tổn thất rất nặng nề. Trong một lần biểu diễn ở huyện Hoàn Ân, tỉnh Bình Định, không may bị điệp báo, Đoàn bị địch vây bắt gần hết, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng sau này như NSND Võ Sĩ Thừa, soạn giả Nguyễn Kim Hùng… Nhiệm vụ của ông và anh em nghệ sĩ miền Bắc vào là vừa biểu diễn vừa đào tạo, củng cố lại Đoàn.

7 năm làm công tác nghệ thuật tại chiến trường, dù đói cơm lạt muối, không ít lần cái chết cận kề, nhưng được biểu diễn phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân, nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn cho rằng, đó là những tháng ngày đẹp nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của mình. Đẹp nhất là tình cảm giữa người nghệ sĩ và khán giả. Chính vì thế không ít lần, ban ngày sốt lên đến trên 40 độ hay rét run cầm cập, giữa mùa hè mà quấn mấy lần chăn, vậy mà ban đêm, như một sự thôi thúc, anh em vùng dậy, hoá trang, lên biểu diễn ngon lành phục vụ bộ đội, dân công và nhân dân.

Có lần, Đoàn đang hành quân trên đường Trường Sơn thì gặp một tiểu đoàn cũng vừa từ miền Bắc vào. Vậy là anh em dừng lại, biểu diễn ngay. Trong ánh lửa bập bùng do bộ đội nhóm lên, anh em biểu diễn say sưa hơn 2 tiếng đồng hồ, mặc dù chiều hôm ấy, mỗi diễn viên chỉ có vài khúc sắn lót dạ. Anh em chiến sĩ lặng đi xem văn công biểu diễn. Rồi cả tiểu đoàn cùng đứng cả dậy, từng tràng pháo tay vang lên không ngớt. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng tần ngần nắm tay từng diễn viên, xúc động nói: “Các đồng chí diễn hay quá! Ở giữa chiến trường không ngờ lại được xem văn công biểu diễn hay đến vậy. Chúng tôi không có món quà gì, chỉ có một mũ cối gạo tặng các đồng chí, mong các đồng chí nhận, ăn cho có sức để phục vụ nhân dân, phục vụ bộ đội”.

Tối hôm ấy, cả đoàn 17 người, nấu một nồi cơm ăn với muối, cảm thấy như chưa bao giờ được ăn bữa cơm ngon đến thế. Sáng hôm sau, tìm hiểu, mới biết mũ cối gạo đó là tiêu chuẩn bữa sáng của cả tiểu đoàn.

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn.


Không ít vui buồn trong những năm phục vụ ở chiến trường. Nhiều người trong đoàn đã mãi mãi nằm lại, trong đó có những cái chết vô cùng tức tưởi, trong đó có Cao Đình Cựu, người bạn thân tài năng, học cùng lớp, cùng quê, cùng vào chiến trường một đợt.

Đầu năm 1971, do địch rải chất độc, sắn của đơn vị tăng gia chết hết, đói vàng mắt suốt mấy tháng liền. Bữa nọ, một diễn viên trong đoàn đem về một bọc nấm. Tưởng nấm mối, anh em liền nấu ăn, khen ngon. Không ngờ, đó là nấm độc. Cao Đình Cựu đang sốt, bị ngộ độc nặng đã ra đi. Riêng Phạm Ngọc Sơn cũng nôn thốc, nôn tháo, điều trị mấy ngày mới qua nguy kịch.

Cũng chính trong những tháng năm ác liệt của chiến trường, đã nảy nở tình yêu giữa nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn và nghệ sĩ Phương Cơ - cũng từ Đoàn Tuồng Thanh Hoá vào bổ sung cho Đoàn Tuồng và Dân ca Khu 5.

Cháy mãi ngọn lửa tuồng

Sau 1975, vợ chồng nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn và Phương Cơ về công tác tại tỉnh Phú Khánh và Phú Yên. Công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, nhưng tình yêu đối với tuồng trong ông chưa bao giờ vơi. Hát hay, múa đẹp, nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn làm người xem nhớ mãi về những vai diễn để đời trong nhiều vở tuồng cổ và hiện đại … Ông cũng là tác giả kịch bản của nhiều vở sân khấu hoặc chuyển thể sân khấu được nhiều đoàn nghệ thuật tên tuổi trong cả nước biểu diễn như “Quyền uy và tội ác”, “Dời đô”, “Tình yêu và khát vọng”...

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn rất tâm huyết với việc đưa nghệ thuật tuồng vào giảng đường. Ông đã cùng Chi hội Sân khấu Hội LHVHNT tỉnh Phú Yên thực hiện nhiều đợt nói chuyện, giới thiệu nghệ thuật tuồng cho các trường phổ thông và chuyên nghiệp trong tỉnh.

Ở tuổi 72, ông vẫn đau đáu nỗi niềm tuồng. Hiện ông đang viết vở tuồng “Người đàn bà hoá muỗi” và chuyển thể vở kịch nói “Lý Thường Kiệt” của tác giả Phạm Hải sang tuồng.

Bạn cùng lớp với Phạm Ngọc Sơn, hầu hết đều được phong NSƯT, NSND cả. Riêng ông, mấy lần làm hồ sơ, nhưng chỉ vì vài lý do rất nhiêu khê mà đành lỡ dịp. Bạn bè ông lâu ngày gặp lại rất ngạc nhiên vì ông chưa được phong NSƯT. Ông bảo: “Không phải không buồn, nhưng với nghệ sĩ, cái quan trọng hơn danh hiệu này nọ là để lại gì cho nghệ thuật và cho công chúng.”.

Mỗi lần gặp ông, thấy ông sôi nổi chuyện nghề, có lúc cao hứng còn cười mấy điệu trong 36 điệu cười tuồng như là một đặc sắc của Phạm Ngọc Sơn, tôi thấy chuyện vân vi danh phận không còn ý nghĩa ở người nghệ sĩ đã chấp nhận về sống ở “tỉnh lẻ” này.

Ra Tết vừa rồi, tại các địa phương ở Phú Yên, Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Bình Định) có đợt lưu diễn vở “Tình yêu và khát vọng” của Phạm Ngọc Sơn viết về Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh, người có công tổ chức khai khẩn, lập nên vùng đất Phú Yên.

Nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn cho biết, vở tuồng là tấm lòng của ông đối với vùng đất Phú Yên tình sâu nghĩa nặng mà ông đã gắn bó hơn nửa cuộc đời. Nghe tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả, thấy ánh mắt ông ngời lên, tôi biết ông rất hạnh phúc




Phan Xuân Luật

0 nhận xét:

Đăng nhận xét