Đại hiệp truyện
Sung sướng thay là những kẻ có niềm tin
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa có cuộc giao lưu với bạn đọc chủ đề Tìm lại thời gian đã mất trong không gian phố cổ Hà Nội.Trước đó, ông gặp lại đồng nghiệp thân thiết đủ các thế hệ ở báo Tiền Phong nhân 26/3. Phóng viên hỏi chuyện ông, nhân chuyến đi ý nghĩa từ Hải Phòng về Hà Nội.
Độc giả đến với buổi giao lưu “Tìm lại thời gian đã mất”. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN.
So với cái thời “Mọi người nhìn tôi không ra quen không ra lạ, không ra chào không ra không/Mọi người nhìn tôi như thể mọi thứ đã kết thúc rồi”, có thể nói hiện Bùi Ngọc Tấn đang ở đỉnh cao hạnh phúc? Và ông có thấy bất ngờ trước những câu hỏi mà những người trẻ đặt ra cho ông tối 15/3 trong cuộc giao lưu ở quán cà phê Manzi, về lẽ sống, niềm tin, về những sai lầm trong quá khứ, về việc họ rút ra bài học cho mình từ bài học của Dương Tường, Bùi Ngọc Tấn, Châu Diên rằng “sống phải có lý tưởng và phải sáng suốt trong việc định ra những giá trị”?
Trước đây do ít tiếp xúc với lớp trẻ nên khi về già tôi có một mối lo, một nỗi sợ thì đúng hơn: Sợ lớp trẻ không biết được những gì lớp U 30 (sinh ra những năm 1930) chúng tôi đã sống, đã trải qua. Và như vậy thì thật đau đớn cho họ, những người “sắp đi qua hành tinh này mà không để lại một vết xước nào”.
Cho đến năm 1997, khi làm bộ phim về nhà thơ Lê Đại Thanh, tiếp xúc với các bạn trẻ cùng làm phim, nỗi sợ ấy đã hoàn toàn biến mất. Một niềm vui lớn của tôi!
Lớp trẻ sau chúng tôi một thế hệ ấy (lớp cha-con) hoàn toàn hiểu được chúng tôi, chia sẻ với chúng tôi. Tôi đã bảo Giang Lương Hà, Nguyễn Năng, những đồng tác giả của phim: “Thu hoạch lớn nhất của chú, cái được lớn nhất của chú trong khi làm phim là hiểu được các cháu, là biết rằng thế hệ các cháu hoàn toàn hiểu bọn chú”.
Ngày xưa chúng tôi tràn đầy lạc quan, tin tưởng, đến nỗi lỗi của mình là đã tin tưởng quá. Còn bây giờ, tôi thấy thương các con vì dường như chúng chẳng biết tin vào cái gì. Người Pháp có câu “sung sướng thay là những kẻ có niềm tin
Nhà văn bùi Ngọc Tấn
Và sau này là những bạn đọc trẻ tới nhà. Mới Tết năm ngoái (2012) thôi, một cháu gái (thế hệ thứ 2 sau chúng tôi, thế hệ ông-cháu) từ Hà Nội về (cùng các anh Nguyên Ngọc, Dương Tường, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Vũ Quần Phương…) bảo tôi: “Mấy quyển Anna chú phải giữ cẩn thận đấy chú nhé”. Ý cháu muốn nói tới mấy tập sách đã theo tôi vào tù. Không cần bình luận gì thêm về lời dặn ấy. Nó găm vào trí nhớ tôi.
Rồi đến buổi gặp ở Manzi tối 15/3 vừa qua. Một bạn đọc còn rất trẻ mang gần như tất cả các đầu sách của tôi đến để tôi ký.
Tôi không bất ngờ trước các câu hỏi của lớp trẻ đặt ra cho chúng tôi về lẽ sống niềm tin, những sai lầm trong quá khứ, về những điều cần phải có trong cuộc sống. Tôi hiểu họ, yêu quý họ và tin chắc một điều: Sự chia sẻ giữa các thế hệ là tuyệt đối. Điều ấy làm chúng tôi yên tâm sống và thanh thản đi… về thế giới bên kia.
“Nếu có bị cuộc đời cho đo ván thì cũng đừng để mất hết” (Bùi Ngọc Tấn khuyên bạn trẻ, tại café Manzi 15/3).
Và so với cái thời mà một loạt nước XHCN kiểm điểm nước nào xem nhiều nhất phim “Số phận con người” (theo truyện của Solokhov); những phim “Đàn sếu bay”, “Bài ca người lính” bị cấm chiếu ngay ở quê hương do cái án quy chụp “gây tâm lý sợ hãi chiến tranh” (như ông vừa mới hồi ức), thì không khí hiện nay khác hẳn? Ông nghĩ ông còn muốn nó khác đến bậc nào nữa?
Cuộc sống hôm nay có những bước tiến bộ đáng kể so với cái thời thi chiếu, thi xem phim Số phận con người, rồi lại lên án nó. Nhưng đã nửa thế kỷ rồi. Gọi là cuộc sống có nhích lên. Nhích lên chút ít. Đáng buồn là như vậy. Hai ông nhà báo đi làm phận sự bị đánh mà không dám nhận là mình bị đánh, không dám “ẳng lên một tiếng” như người ta đã viết. Về chủ đề này có đến cả chục ngàn dẫn chứng, trăm ngàn ví dụ.
Cuộc sống đã có nhiều tiến bộ. Nhưng sự không dám nói thật, sự dối trá vẫn còn khá phổ biến. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống, đến tiến bộ xã hội.
Cho tôi nói rõ một điều: Tôi căm thù sự giả dối, đặc biệt thói đạo đức giả.
Ông hẹn với bạn bè “phải sống dai, sống dai là thắng” và nay ở tuổi 79 ông kết luận“sống đến bây giờ là lãi rồi”. Gặt hái lớn nhất của cuộc đời Bùi Ngọc Tấn?
Tôi rất sợ chết mà chưa làm được những công việc cần làm, chưa hoàn thành dự định (như Nguyên Hồng chẳng hạn) thì quá buồn. Thật may mắn, những việc cần làm tôi đã làm hoặc đang hoàn thành.
Đúng là tôi sống đến bây giờ là lãi rồi. Tôi không ngờ về cuối đời lại được hưởng sự chia sẻ, đùm bọc như tôi đang hưởng.
Gặt hái lớn nhất của đời tôi ư?
Một là: Có được một đóng góp ít ỏi, nhỏ bé cho văn học.
Hai là: Tránh được cho người quen những lúng túng khi gặp tôi, chấm dứt tình trạng đã kéo dài nửa thế kỷ, như tôi nói ở trên: Không ra không nhìn thấy, không ra nhìn thấy, không ra chào, không ra không chào, chẳng là quen mà cũng không là lạ, nhìn tôi như nhìn một cái gì đã kết thúc rồi.
Ông vẫn chủ yếu đi về Hà Nội- Hải Phòng. Cảm nhận của ông về hai thành phố này, thời điểm hiện nay?
Tôi yêu Hà Nội, Hải Phòng của nửa thế kỷ trước với tình yêu của một chàng trai tuổi 20.
Một Hà Nội thanh bình, êm đềm, thanh lịch văn hiến, và trong veo không khí, tán lá những phố sấu dài như ôm ấp chở che.Hà Nội một thời để yêu, một thời để sống của tôi.
Và Hải Phòng tỉnh lẻ, tỉnh lẻ cô em nằm xem kiếm hiệp, tỉnh lẻ về bầu trời, về sự dèm pha tâng bốc. Tôi đã viết về Hải Phòng như vậy nhưng tôi yêu nó biết bao. Hoa phượng chẳng dính dáng gì đến tình yêu ấy dù nó đã được chọn là biểu tượng của thành phố Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ.
Hải Phòng xù xì lam lũ, lao động đổ mồ hôi, hồn nhiên, chân thật, phóng khoáng và cởi mở với những tên đất chỉ nghe cũng đã yêu: Ngõ sau Nhà Lốp, Nhà thờ Tây đen, bến tầu Tây Điếc, Ngõ ông Lý Phình… Hải Phòng với những ngôi nhà mới cửa sổ xanh mở đều một lượt / như một ban đồng ca cùng ngân giọng hát/ như những người bên nhau cùng mở rộng tâm hồn.
Hải Phòng, Hà Nội hôm nay, những cơ thể đang phát triển. Mờ đi những nét riêng. Hơn thế, rất giống nhau: Xô bồ, vội vã, giành giật…, ô nhiễm cả thành phố, cả mặt người.
Phát triển nhưng đầy lo âu.
Tôi trở thành xa lạ với Hà Nội và với cả Hải Phòng dù vẫn sống ở đó.
Có thể vì tôi đã 80 tuổi rồi chăng?
Đại Hiệp Truyện
Thiên Cổ Đại Hiệp Mộng - Thần Điêu Hiệp Lữ Tình